Bài cuối: Đồng lòng thiết lập cơ chế quản lý theo toàn bộ chuỗi cung
Theo Chi cục Kiểm lâm Gia Lai, để đảm bảo kiểm soát chặt chẽ tính hợp pháp của nguồn gỗ nguyên liệu nhập khẩu, đặc biệt là từ các nguồn có độ rủi ro cao như gỗ nhập khẩu từ Campuchia, Châu Phi, nên thiết lập cơ chế quản lý theo toàn bộ chuỗi cung, với nguồn thông tin đầu vào, đầu ra phải ăn khớp.
Bên cạnh đó, cần thiết lập thêm các cơ chế, bao gồm cả cơ chế hợp tác với các quốc gia cung cấp gỗ cho Việt Nam, để đảm bảo tính hợp pháp của nguồn gỗ nguyên liệu nhập khẩu.

Tẩy chay gỗ bất hợp pháp
Theo ông Nguyễn Tôn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Vifores), mỗi sản phẩm đồ gỗ đều được hình thành từ nhiều loại gỗ khác nhau. Do vậy, nếu doanh nghiệp sử dụng gỗ từ Campuchia không rõ nguồn gốc trong chế biến, sẽ ảnh hưởng lớn tới uy tín của ngành gỗ Việt. Vì nếu doanh nghiệp đó xuất khẩu sản phẩm gỗ này sang EU, các cơ quan quản lý EU có thiết bị kiểm tra nguồn gốc gỗ; khi họ phát hiện ra nguồn gỗ bất hợp pháp trong sản phẩm thì không là chỉ lô hàng của doanh nghiệp bị trả về, mà uy tín của cả cộng đồng doanh nghiệp chế biến gỗ của Việt Nam cũng sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Ông Nguyễn Tôn Quyền cho biết thêm: “Hiệp hội đã cảnh báo rất nhiều lần với các doanh nghiệp về vấn đề này. Các doanh nghiệp chế biến gỗ lớn nhận thức rất tốt, nhưng các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, các làng nghề, hộ gia đình thì không quan tâm. Khi chúng tôi đi khảo sát làng nghề, thấy rằng tại đây, tính hợp pháp của nguồn gỗ nguyên liệu không quản lý được. Hiện Hiệp hội đang phối hợp với một số tổ chức để nghiên cứu đánh giá tác động tới việc thực hiện ký kết với EU”.

Còn theo ông Điền Quang Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội gỗ Bình Dương, Giám đốc Công ty MIFACO, khu vực châu Á nói chung,Việt Nam nói riêng, hầu như vẫn có thói quen sử dụng các loại gỗ quý như: lim, gụ, sến, hương, cẩm lai… Tuy nhiên, đó đều là gỗ tự nhiên, trồng hàng trăm năm mới có một cây.
Ông Điền Quang Hiệp cho biết, mặc dù đã có lệnh cấm, nhưng vẫn có người tìm mọi cách chặt cây vì giá trị quá cao. Ví dụ, giá gỗ rừng trồng cao su, tràm chỉ khoảng 400 USD/khối, trong khi gỗ quý hiếm có giá 1.000 – 3.000 USD/khối. Tuy nhiên, không thể xuất khẩu những loại gỗ này được, vì EU và Mỹ tuyệt đối không dùng, nếu dùng là vi phạm pháp luật. Còn ở Việt Nam, hiện nay không kiểm soát người tiêu thụ mà lại kiểm soát người sản xuất.

Còn về xuất khẩu, ông Huỳnh Văn Hạnh, Phó Chủ tịch Hiệp hội chế biến gỗ TP Hồ Chí Minh (Hawa) cho biết, nếu muốn đẩy mạnh xuất khẩu gỗ sang các quốc gia phát triển, bắt buộc phải có nền tảng xuất xứ hàng hóa. Ngành gỗ đang hướng tới gỗ hợp pháp từ rừng trồng hoặc nhập khẩu từ rừng trồng. Cộng đồng cũng đang dần hiểu về điều đó.

Về vấn đề này, ông Lê Ngọc Dũng, Giám đốc nhà máy gỗ Hàm Rồng, Hoàng Anh Gia Lai thừa nhận, trước đây người tiêu dùng trong nước hầu như không quan tâm tới nguồn gốc của gỗ. Những những năm gần đây, theo các đại lý của HAGL phản hồi về, 20% những người mua đồ gỗ đã hỏi về nguồn gốc của gỗ, có phá hoại môi trường không? Điều đó chứng tỏ nhận thức của người tiêu dùng trong nước cũng đã thay đổi.
Ủng hộ việc dừng nhập khẩu loại gỗ có rủi ro cao
Ngày 16/11/2018, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số 44/2018/TT-BCT quy định về việc tạm ngừng kinh doanh tạm nhập, tái xuất gỗ tròn, gỗ xẻ từ rừng tự nhiên từ Lào và Campuchia. Thông tư này có hiệu lực từ tháng 1/2019 đến hết năm 2023.
Nguồn: baotintuc.vn